Chùa Phật Tổ Úc Đại Lợi Chùa Phật Tổ Úc Đại Lợi Chùa Phật Tổ Úc Đại Lợi
Bài viết: Con Tim Nhạy Cảm
Con Tim Nhạy Cảm

Để ngắm nhìn vẻ đẹp bao la này, chúng ta phải cắt bỏ một phần đời sống riêng tư, ích kỷ, nhỏ nhoi của chính tâm địa mình. Trở về vớiđời sống thánh thiện và vẻ đẹp thẩm mỹ chân thật! Nét đẹp thẩm mỹ chỉ là sự kết hợp tự nhiên giữa màu sắc và không màu sắc. Không nói điều tàn ác, nặng nề, mà nói lời thân ái, dịu dàng lợi lạc.

Phàm làm con người, nhạy cảm là yếu tố tâm lý cần thiết trong cuộc sống. Một tâm hồn nhạy cảm sẽ dễ cảm thông nỗi đớn đau của tha nhân và dễ xẻ chia nỗi bất hạnh của cuộc đời!

Tĩnh thức trước môi trường sống, làm chủ được mọi sự vận hành của tư tưởng, có thể nói, đó là một đời sống hài hoà, kết hợp được tình cảm và tinh thần, trong đó, nhạy cảm đóng vai trò kết nối.

Nhưng làm thế nào phát triển toàn diện về cơ thể, tình cảm, khả năng suy nghĩ rộng sâu, để con người linh hoạt với mọi thử thách, mọi ảnh hưởng xung quanh?

Thế giới đang chạy đua không ngừng tốc độ với vật chất và thời gian. Thế giới của khoa học kỹ thuật, của công nghệ thông tin, củacông danh bạc tiền, của kỹ sư bác sĩ, của chuyên viên điện tử, của thị trường chứng khoán, của đầu tư bất động sản, và của những tôn giáo đang đấu tranh để sinh tồn.

Các chính trị gia, những chuyên viên điện tử đang trở thành những người máy tuyệt vời. Nếu không khéo léo, họ có thể tự giam mình trong cuộc sống hết sức bẩn chật, hạn hẹp. Tuy có kiến thức rộng rãi, có tài nghệ chuyên môn, nhưng có thể là những người dẫy đầy sầu khổ, rỗng tuếch tâm hồn.

Ôi, một cuộc sống chỉ nắm giữ kiến thức, kỹ thuật là cuộc sống hạn hẹp, bó buộc, gây nhiều khổ đau, dẫn đến khối u cho nhân loại. Trong khi đó, cũng có những phương cách, những con đường chấp nhận kiến thức khoa học, có thể làm mọi thứ, tạo ra tiền của vật chất phụng sự nhân loại. Nơi đó, con người vẫn vui sống an nhiên, bằng tâm hồn cảm xúc mãnh liệt, tươi sáng và tầm nhìn sâu lắng bên trong!

Con Tim Nhạy CảmÝ nghĩa đích thực của cuộc sống không phải chỉ có đi làm ngày này qua ngày khác, mà phải có an lạc hạnh phúc. Con đường trải nghiệm tâm linh, an hưởng hạnh phúc, phải thông qua con tim nhạy cảm, tâm hồn rung động. Làm được điều này, mới có thể thưởng thức những vẻ đẹp của đất trời, vẻ đẹp tuyệt vời của thiên nhiên ban tặng và con người hiến dâng!

Vẻ đẹp không mang tính riêng tư, không dành riêng cho cá thể nào, nhưng con người lại muốn nó trở thành tài sản riêng tư. Cài một đoá hoa trên mái tóc, trên áo quần sang trọng lộng lẫy, trông thật hào nhoáng, bảnh bao. Thực tế, đó chỉ là vẻ đẹp nhân tạo, hạn hẹp bên ngoài, mang tính thời gian.

Nói như thế, không có nghĩa là chúng ta phủ nhận nghệ thuật ăn mặc tươm tất, gọn gàng sạch sẽ. Lẽ tất nhiên, nghệ thuật tạo dáng, ra hình trong cuộc sống, trong quan hệ tình người là điều không thể thiếu.Đây là điều kiện cần thiết nhưng chưa đủ, vì đó không phải là sự thưởng thức vẻ đẹp thiên nhiên, không phải là vẻ đẹp của đất trời ban phát!

Thưởng thức vẻ đẹp thật sự, là sự ngắm nhìn một cành cây, một bức tranh mộc mạc, một bức tượng cổ kính, những đám mây đang lơ lửng bay bay, bầu trời trong xanh giải thoát, chim muông tự do tung cánh. Thưởng thức vẻ đẹp thiên nhiên là sự ngắm nhìn ánh sao mai khi bình minh ló dạng, ngắm nhìn mặt trời lặn khuất dưới rặng đồi non, trong những buổi chiều tà!

Để ngắm nhìn vẻ đẹp bao la này, chúng ta phải cắt bỏ một phần đời sống riêng tư, ích kỷ, nhỏ nhoi của chính tâm địa mình.Trởvề vớiđời sống thánh thiện và vẻ đẹp thẩm mỹ chân thật! Nét đẹp thẩm mỹ chỉ là sự kết hợp tự nhiên giữa màu sắc và không màu sắc.Không nói điều tàn ác, nặng nề, mà nói lời thân ái, dịu dàng lợi lạc.

Ngắm nhìn vẻ đẹp của một ngôi nhà, có những bức tranhtrong căn phòng nho nhỏ xinh xắn thật cân xứng. Tất cả những điều này là một phần của năng khiếu và đời sống thẩm mỹ. Nên nhớ rằng, năng khiếu thẩm mỹ, đời sống thẩm mỹ tuyệt đối không phải chỉ biết thưởng thức những vẻ đẹp bên ngoài. Khi vẻ đẹp trở thành riêng tư, thì vẻ đẹp đó biến thành ích kỷ và ích kỷ là nguồn gốc của khổ đau!

Sống trên trần gian này, đa phần chúng ta đều khước từ hạnh phúc chân thật của chính mình.Người có tiền của, quyền lực nhiều chưa chắc có được hạnh phúc vĩnh viễn. Nhiều người có lối suy nghĩ nặng phần vật chất, thường dẫn đến cuộc sống hết sức tẻ nhạt, buồn chán và nông cạn.

Nguồn gốc của sự nông cạn, tẻ nhạt, đau đớn, mâu thuẫn và cực kỳ thống khổ là sự sa đoạ vào lối sống tội lỗi.Suy nghĩ lệch lạc, hành động điên rồ, chỉ mưu cầu lợi ích cho tự ngã. Trong khi đó, họ rất hời hợt, lạnh nhạt, hay lãng quên trước những vẻ đẹp thiêng liêng nhiệm mầu!

Chỉ một điều đơn giản là ngắm nhìn đồi núi, cây cỏ xinh tươi, mà không khởi niệm tự ngã trong đó. Chúng ta có quyền vui hưởng, ngắm nhìn mọi vẻ đẹp thiên nhiên trên trần đời, mặc dù chúng thuộc về người khác, hay thuộc về thế giới khác!

Hãy ngắm nhìn dòng sông, hoà nhập vào vẻ đẹp, sức sống, vào sự lưu thông nhanh nhẹn của nó. Nhưng, chúng ta không thể ngắm nhìn như vậy, nếu chỉ quan tâm đến quyền lực, tiền bạc, địa vị và sự nghiệp. Những thứ này chỉ là một phần trong trăm phần của sự sống. Do vậy, có thể sẽ đưa cuộc sống con người đến chỗ nông cạn, tẻ nhạt, đau khổ. Một cuộc sống hời hợt, lạnh nhạt, luôn tạo ra đau khổ và hổn loạn, không những cho chính mình mà còn cho người khác nữa!

Không có cảm xúc yêu thương tử tế, và lòng nhân hậu với người khác, cuộc sống trở nên tẻ nhạt, xấu xa, hung ác. Cuộc sống này bị lấp đầy bằng những thủ đoạn chính trị, thậm chí chính trị trong tôn giáo. Tất cả sự lận đận, lao đao, thất điên bát đảo trong cuộc sống, đều vì những lý do của tài-sắc-danh-thực-thuỳ.

Càng trưởng thành, chúng ta dần dà mất đi những đức tính, những cảm xúc diệu kỳ trong việc ngắm nhìn ánh hoàng hôn khuất dạng, những áng mây bay, những vì sao lấp lánh trong đêm không trăng. Trí năng, khả năng nhạy bén, và đầu óc so đo tính toán, phân biệt tốt xấu hơn thua, bắt đầu phá huỷ cuộc sống thanh tịnh, vô tư này.

Hãy để cho dòng cảm xúc nhiệm mầu phát sinh.Cảm xúc mọi thứ chứ không phải một hoặc hai điều. Nếu thật sự để dòng cảm xúc tuôn chảy, thì những điều nhỏ bé sẽ không lấp đầy cuộc sống.Chính trị, nghề nghiệp, sự nghiệp, thậm chí sự nghiệp tôn giáo cũng trở thành nhỏ nhoi. Nếu để dòng cảm xúc tuôn chảymạnh mẽ, chúng ta sẽ có điều kiện và cơ hội sống trong sâu lắng tâm hồn. Cuộc sống nhờ đó mà ngờisáng, đơn giản và khoẻ mạnh.

Khi lớn lên, chỉ vì tiền bạc, địa vị, danh lợi, con người dễ bị đánh mất những đức tính cảm xúc, cảm thông, nhân hậu đối với người khác. Chính vì mất điều này, họ bắt đầu bịa ra mọi hình thức để mê hoặc tha nhân. Vì lo sợ mất tất cả, con người đã đoạn đành tự huỷ diệt những đức tính thuần lương đạo đức bên trong. Con người đã nói tiếng khước từ với tình thương tha nhân và vẻ đẹp thiên nhiên sẵn có.

Con Tim Nhạy CảmKhi giải thoát khỏi những tâm lý sợ hãi, thì dòng cảm xúc của chúng ta về những điều thánh thiện phát sinh. Ngắm nhìn các vì sao, những áng mây, những gương mặt với nụ cười hoan hỷ một cách chính xác và rõ ràng. Khi không còn nỗi lo âu, sợ hãi nữa, chúng ta sẽ có cơ may tiến xa hơn trong lãnh vực phát triển tâm linh. Tự mình có thể tìm ra điều này mà không cần sự hướng dẫn của cá nhân nào.Thế hệ tiền nhân đã đi tìm và mất quá nhiều thời giờ cho công việc này. Vì trong tâm thức họ vẫn còn nỗi lo âu, sợ hãi ám ảnh bềnh bồng.

Vào viện bảo tàng của các quốc gia, chúng ta sẽ thấy những bức tranh cách đây hơn 2.000 năm vẽ những con thú đấu tranh chống lại con người, vẽ những loài động vật sống với thiên nhiên bao quanh. Đấy là những bức tranh kỳ diệu. Chứng tỏ sự tìm kiếm vô tận của con người, thông qua quá trình đấu tranh giành sự sống và con đường khai phá. Tất cả những diệu kỳ đó được mệnh danh là thần linh mặc khải, hay Thượng đế tối cao. Nhưng đến nay, con người vẫn chưa tìm được điều kỳ diệu đó. Chúng ta chỉ có thể tình cờ tìm thấy một cách bí mật, hay thỉnh thoảng ẩn hiện trong thân tâm thanh tịnh, khi cõi lòng không còn mảy may lo lắng, sợ hãi. Lúc không còn lo lắng, sợ hãi, chúng ta sẽ có được một cảm xúc mạnh mẽ. Cảm xúc càng mạnh mẽ bao nhiêu, thì sự quan tâm đến những điều nhỏ bé càng ít bấy nhiêu. Vì chính nỗi lo âu, sợ hãi đã lấn át dòng cảm xúc vô biên, nhận chìm tâm hồn tịnh lắng, và đức tính trầm lặng của con người!

Sở dĩ con người bám víu cuộc đời, bởi vì không còn cái gì khác để bám víu. Thần linh, chùa chiền, thánh đường đều là những phương tiện nhất thời, nếu nhìn từ cái nhìn toàn diện và chân chính.

Kinh sách chỉ là những ngôn từ chứa đựng triết lý sâu sắc, nhằm hướng dẫn con người trở về với nẻo ngay đường chánh. Thánh đường là nơi tụ hội để xẻ chia đau khổ hạnh phúc, là nơi tìm về đấng tối cao vĩ đại.

Thần linh, thánh hiền là những con người đã gạt bỏ được đời sống tầm thường thế tục, đang sống trong thế giới xuất trần siêu tục.

Tất cả những phương tiện tôn giáo, đều nhằm mục đích răn nhắc, hướng dẫn con người loại trừ những khả năng xấu ác, và phát huy những khả năng tốt đẹp, đang tiềm ẩn sâu kín trong tâm hồn.

Nếu người theo tôn giáo hay không có tôn giáo đều hiểu rõ, biết hết, thì tại sao vẫn còn người bám chặt vào cuộc đời, trong khi cuộc đời dẫy đầy đau khổ, chán chường. Có lẽ vì con người không biết gì hơn ngoài những thứ này?

Có người suốt cuộc đời chỉ bám chặt vào nhà cửa, sách vở, hình tượng, thần thánh, tiền bạc, ăn ngon mặc đẹp, địa vị tối cao. Gồm chung lại vẫn là tham ái và đau khổ. Đối với họ, chắc không còn thứ gì khác để tham đắm. Do vậy, tấm thân họ mang đầy vết tích khổ đau, chứa đầy oan khiên thù hận.

Nhưng, đối với người giác ngộ tĩnh tâm, họ lúc nào cũng tự hiểu, tự biết mình đang làm gì, đang nói gì, đang suy nghĩ những gì. Từ đó họ mới có thể tự tại, an vui trong cuộc sống. Giống như muốn qua bên kia sông, chúng ta phải bơi lội và điểm xuất phát là bờ bên đây. Không thể ngồi một chỗ mà qua sông được.

Muốn tự tại, giải thoát với bao phiền não, khổ đau, xin hãy mạnh dạn nhìn lại chính mình, bỏ hết những bẩn chật tử sinh, mạnh dạn bước lên bến bờ giác ngộ an vui!!!

TK Thích Thiện Hữu
Trích trong sách: Chỉ Là Ước Mơ

Contact Information

121 Attunga St., Greenbank, Logan, Qld 4124, Australia
Phone: +61 431 456 244
E-mail: thienhuu5@gmail.com daovaodoi2015@gmail.com